Phần lớn các chàng trai thường nghĩ rằng chuyện cưới xin là việc của người lớn và đôi khi chưa thực sự chủ động tìm hiểu. Thế nhưng, một chàng trai có ý thức, biết trân trọng cô gái mình yêu, đồng thời tôn trọng đấng sinh thành của nàng bằng cách chủ động lo nghĩ đến việc xin phép được cưới con gái của họ chắc chắn sẽ ghi điểm tuyệt đối và trở thành chàng rể được yêu thương hơn.
Dù bạn có là một chàng trai tự tin, hoạt bát đến mức nào, khi đối diện với bố mẹ vợ tương lai và đề cập đến vấn đề cưới xin, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác bối rối, hồi hộp và ngượng ngùng. Bài viết này sẽ giúp bạn gạt bỏ mọi nỗi lo lắng này chỉ với những cách xin phép bố mẹ người yêu cho cưới hiệu quả và tinh tế nhất, biến buổi gặp mặt quan trọng này thành một kỷ niệm đáng nhớ.
Nếu bạn lo lắng 10 phần khi đến xin cưới, thì bố mẹ nàng cũng không tránh khỏi việc hồi hộp, lo lắng đôi ba phần khi có người đến xin cưới con gái của mình. Vì vậy, việc nhờ người yêu “bỏ nhỏ” trước với bố mẹ là một cách khôn ngoan để các đấng sinh thành chuẩn bị tinh thần.
Khi bố mẹ nàng đã biết được mục đích bạn đến nhà để làm gì, cuộc nói chuyện sẽ diễn ra tự nhiên, thân mật và suôn sẻ hơn. Hơn nữa, việc thông báo trước này cũng sẽ khiến việc đến thăm nhà nàng không trở nên quá đột ngột, bất ngờ, gây mất tự nhiên, đặc biệt đối với những chàng trai còn chưa thực sự quen thuộc với cha mẹ người yêu.
Cách nói chuyện với bố mẹ vợ để xin cưới thành công không thể thiếu bước tìm hiểu kỹ lưỡng về tính cách của họ. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” – việc tìm hiểu “đối tượng” trước khi hành động là vô cùng quan trọng. Vì vậy, các chàng nên tìm hiểu tính cách bố mẹ vợ tương lai trước khi ngỏ lời xin cưới.
Với những chàng trai đã có nhiều dịp tiếp xúc, gặp gỡ phụ huynh nàng thường xuyên thì việc này có vẻ khá đơn giản. Nếu không, bạn có thể tìm hiểu về tính cách, thói quen, suy nghĩ, thậm chí là sở thích của phụ huynh nàng thông qua chính con gái của họ. Điều này giúp bạn chuẩn bị tinh thần, cách nói chuyện với bố mẹ người yêu và lời xin phép cho hợp lý.
- Nếu bố mẹ nàng thân thiện, vui vẻ, dễ tính thì chàng rể tương lai cũng nhẹ bớt phần nào tâm lý, có thể trò chuyện thoải mái, nếu có sơ sót cũng dễ được bỏ qua.
- Ngược lại, nếu phụ huynh của nàng nghiêm khắc, hơi khó tính thì bạn nên chuẩn bị nội dung cần nói đầy đủ, ngắn gọn, súc tích và luôn giữ thái độ điềm đạm, lễ phép khi tiếp chuyện với người lớn.
Ông cha ta có câu “Cái răng cái tóc là góc con người”. Dù không cần ăn mặc quá cầu kỳ, bạn nên chọn trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với một dịp đặc biệt và trang trọng như thế này. Một bộ trang phục chỉn chu sẽ thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với gia đình nàng, và bố mẹ nàng cũng sẽ cảm nhận được tấm lòng, sự nghiêm túc và chân thành từ chính cách ăn mặc của bạn.
Bên cạnh đó, đừng quên chuẩn bị một món quà nhỏ gửi biếu hai đấng sinh thành. Hãy khéo léo tìm hiểu sở thích, thói quen hoặc nhu cầu của họ thông qua người yêu để lựa chọn những món quà thật phù hợp và ý nghĩa. Một món quà đúng sở thích sẽ khiến bố mẹ cảm thấy được quan tâm và trân trọng.
Thưa chuyện với bố mẹ vợ ra sao? Cách nói chuyện xin cưới như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Theo kinh nghiệm từ những người đi trước, cách xin cưới bố mẹ vợ thành công là bạn nên trình bày ngắn gọn, rõ ràng mục đích của mình, không nên dài dòng, quá hoa mỹ hay màu mè. Việc nói chuyện quá lan man có thể khiến bạn bối rối dẫn đến “nói hớ”, đồng thời tạo cho bố mẹ người yêu cảm giác bạn không chân thành.
Có thể bố mẹ nàng sẽ hỏi han về công việc, kế hoạch tương lai, tình hình tài chính, nhà cửa, định hướng cuộc sống… Do đó, bạn nên suy nghĩ trước những nội dung này để có thể trả lời cha mẹ nàng thật rành mạch, rõ ràng, tạo cho họ sự tin tưởng tuyệt đối vào khả năng và sự chín chắn của bạn.
Trong cách hỏi cưới vợ, đừng quên nói lời cảm ơn chân thành và xin phép được dẫn ba mẹ mình tới nói chuyện chính thức vào một ngày gần nhất khi đã nhận được cái gật đầu đồng ý của cha mẹ người yêu nhé!
Nếu bạn gái lỡ có bầu trước khi cưới, làm sao để xin phép bố mẹ người yêu cho cưới một cách êm đẹp? Trước tiên, bạn cần chuẩn bị tâm lý kỹ càng để đối mặt với mọi phản ứng của bố mẹ vợ. Họ có thể tức giận, phản ứng dữ dội hay đưa ra lời khuyên? Liệu bạn có bị quát tháo không? Hãy hệ thống tất cả tình huống có thể xảy ra và lên kế hoạch ứng xử cho phù hợp.
Cách xin cưới khi lỡ có bầu "khôn ngoan" là tuyệt đối không xen ngang khi họ đang nói, dù bạn nhận thấy ý kiến đó có phần không đúng. Lúc này, bố mẹ có thể đang rất "sốc" hoặc thất vọng, nên hãy im lặng và lắng nghe để họ được nói ra hết nỗi lòng mình nhằm giải tỏa cảm xúc bên trong. Đây không phải là thời điểm thuận lợi để đưa ra quan điểm tranh luận hay biện minh.
Bạn nam cần thể hiện rõ thành ý, tỏ ra mình thực sự hối lỗi, chân thành và sẵn sàng nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Có thể bày tỏ, chia sẻ những cảm xúc thật của mình hiện tại như nỗi lo lắng hay sợ hãi về tương lai, để bố mẹ cảm thấy đồng cảm và đưa ra lời khuyên thay vì chỉ trách móc bạn. Như vậy, bạn có thể làm dịu cảm xúc của bố mẹ và nhận được sự tác thành, thậm chí là sự bao dung từ họ.
Cách thưa chuyện với bố mẹ người yêu xin cưới như thế nào? Thưa chuyện với bố mẹ vợ nên nói gì để tạo được thiện cảm và sự tin tưởng? Chắc hẳn nhiều bạn nam sẽ rất lúng túng không biết diễn đạt ý như thế nào. Dưới đây là một vài đoạn văn mẫu xin phép bố mẹ người yêu làm đám cưới bạn có thể tham khảo, tùy chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của mình:
Văn mẫu thưa chuyện với bố mẹ người yêu tiến đến hôn nhân:
Mẫu 1 (Truyền thống, ngắn gọn): "Dạ thưa hai bác, con là [Tên bạn], người yêu của cháu [Tên người yêu]. Con xin phép hai bác cho con và cháu [Tên người yêu] được tổ chức đám cưới vào thời gian sắp tới ạ. Con hứa sẽ yêu thương và chăm sóc cháu thật tốt, đầy đủ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Con rất mong được hai bác đồng ý để gia đình con thu xếp thời gian qua thưa chuyện chính thức, chọn ngày lành tháng tốt rước cháu về ạ."
Mẫu 2 (Nhấn mạnh tình cảm và sự chín chắn): "Dạ thưa hai bác, con và cháu [Tên người yêu] đã quen biết và tìm hiểu nhau được một thời gian [số năm/tháng]. Tình cảm giờ đã chín muồi và chúng con cảm nhận được mình thực sự hợp nhau, muốn cùng nhau xây dựng tổ ấm. Bởi vậy, hôm nay con đến đây kính cẩn xin phép hai bác cho con và cháu [Tên người yêu] được về chung một nhà. Con hứa sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc, là trụ cột gia đình để cháu [Tên người yêu] có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc nhất. Con rất mong được sự chấp thuận của hai bác ạ."
Mẫu 3 (Điểm qua sự chuẩn bị cá nhân): "Dạ thưa hai bác, sau [số năm] tìm hiểu, cháu và cháu [Tên người yêu] đều mong muốn bước xa hơn, cùng nhau xây dựng mái ấm nhỏ. Cháu [Tên người yêu] giờ đã ra trường, có công việc ổn định. Về phần cháu, cháu cũng đã tích lũy được một số vốn kha khá và có sự nghiệp đủ để lo lắng cho cuộc sống gia đình. Bởi thế, hôm nay cháu đến đây thưa chuyện với hai bác, kính xin phép cho cháu và cháu [Tên người yêu] xác lập mối quan hệ hôn nhân. Cháu rất mong hai bác đồng ý. Gia đình cháu cũng mong được đến gặp gỡ và nói chuyện với hai bác từ lâu lắm rồi ạ."
Sau khi thưa chuyện với bố mẹ người yêu xin cưới thành công, điều tiếp theo chàng rể tương lai cần làm là sắp xếp buổi gặp mặt chính thức giữa hai bên thông gia. Để buổi gặp mặt này diễn ra thuận lợi và thành công tốt đẹp, không thể bỏ qua những lưu ý quan trọng sau:
- Sắp xếp thời gian buổi hẹn hợp lý: Đôi uyên ương cần căn cứ vào lịch trình của bố mẹ hai bên để lên thời gian buổi gặp mặt thuận tiện nhất. Cần thông báo sớm để bố mẹ có sự chuẩn bị chu đáo, tránh việc “nước đến chân mới nhảy”.
- Chuẩn bị quà tặng thông gia: Khi đi hỏi vợ cho con, nhà trai đừng quên đem theo quà cho nhà gái. Nhà gái cũng có thể chuẩn bị quà lại cho nhà trai mang về để gia tăng tình cảm gắn kết hai bên thông gia. Cặp đôi nên ngồi lại với nhau để tìm hiểu xem đâu là món quà ý nghĩa và phù hợp nhất dành tặng cho bố mẹ chồng, bố mẹ vợ tương lai.
- Cử người đại diện (nếu cần): Bố mẹ chú rể có thể sắp xếp một người đại diện giỏi ăn nói, khéo léo và có kinh nghiệm trong việc gặp gỡ sui gia để quá trình xin cưới diễn ra thuận lợi, suôn sẻ và trang trọng.
Khi đi hỏi vợ cho con, bố mẹ chú rể nên lưu ý những điều sau để cuộc nói chuyện diễn ra thuận lợi, tạo không khí thân tình và tôn trọng:
- Chào hỏi, thăm sức khỏe: Lời chào, lời hỏi thăm sức khỏe là cách lịch sự để mở đầu câu chuyện một cách tự nhiên và tạo thiện cảm ngay từ ban đầu.
- Lời giới thiệu, lý do buổi gặp mặt: Giới thiệu các thành viên đến tham gia và nêu rõ mục đích của buổi gặp mặt này là để xin phép được kết thông gia.
- Nói về chuyện yêu đương, ngỏ lời xin cưới: Kể lại tóm tắt về quá trình tìm hiểu, yêu đương của đôi uyên ương và ngỏ lời muốn chính thức xác lập mối quan hệ thông gia.
- Bàn về chuyện cưới xin và lễ nghi: Khi đã nhận được sự đồng thuận của nhà gái, hai bên có thể bắt đầu bàn bạc về thời gian và cách thức tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới cũng như các phong tục cưới hỏi liên quan.
- Bày tỏ sự biết ơn: Đừng quên nói lời cảm ơn chân thành với bố mẹ cô dâu vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con gái mình trưởng thành và chấp thuận hôn sự.
- Nói lời chân thành với cô dâu tương lai: Lời nói hay cách cư xử của nhà trai đối với cô dâu trong buổi gặp thông gia có thể tác động lớn đến quyết định của bố mẹ cô dâu. Vì thế, cần nói lời chân thành, thể hiện sự yêu thương, tôn trọng và chào đón đối với con dâu tương lai.
Hy vọng với những cách xin phép bố mẹ người yêu cho cưới được tổng hợp chi tiết ở trên đã giúp bạn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích để buổi ra mắt và xin cưới diễn ra thành công tốt đẹp.
Sau khi đã thuyết phục được bố mẹ vợ cho cưới, đừng quên xem ngày cưới, lập kế hoạch chi tiết cho đám cưới, tìm hiểu phong tục cưới hỏi, chọn nhẫn cưới và các bước chuẩn bị khác để đám cưới được diễn ra trọn vẹn và hoàn hảo nhất nhé! Chúc bạn có một hành trình hôn nhân đầy hạnh phúc!